Cựu giám đốc TSMC: Gia nhập SMIC là sai lầm lớn nhất cuộc đời, và những nỗ lực để vượt qua Intel
Cuộc nói chuyện giữa tiến sĩ Chiang Shang-Yi với bảo tàng Computer History Museum vừa diễn ra đã đem tới cho chúng ta rất nhiều thông tin đầy giá trị về cuộc đua giữa TSMC và Intel để giành lấy ngôi vương trong ngành gia công chip bán dẫn toàn cầu.
Tiến sĩ Chiang đã làm việc tại TSMC hàng chục năm, quản lý mảng nghiên cứu và phát triển công nghệ chế tác chip xử lý, cùng nhà sáng lập hãng sản xuất chip Đài Loan, tiến sĩ Morris Chang. Nhưng rồi cũng chính tiến sĩ Chiang đã khiến không ít tranh cãi nổ ra, khi rời khỏi TSMC để gia nhập hãng chip Trung Quốc, SMIC. Sau vài năm làm việc tại SMIC, tiến sĩ Chiang quyết định nghỉ hưu.
Hồi năm 2020, nhà khoa học máy tính này khiến mọi người chú ý khi đồng giám đốc điều hành Mong-Song Liang bất ngờ tuyên bố từ chức, ngay sau khi tiến sĩ Liang được SMIC đề bạt lên làm phó chủ tịch tập đoàn. Khi ấy, tiến sĩ Chiang đăng tải một bức thư phê phán cách quản lý và điều hành của SMIC, nhưng vẫn làm việc cho họ. Sau đó giấy tờ nộp lên cơ quan quản lý tại Trung Quốc chứng minh SMIC đã mua cả nhà cho vị kỹ sư tài năng. Đến năm 2021 vừa rồi, ông Chiang tuyên bố nghỉ việc, dù trước đó luôn nhấn mạnh việc nghiên cứu cách đóng gói die chip xử lý và nghiên cứu những tiến trình cao cấp là điều quan trọng nhất đối với tương lai của SMIC.
Buổi nói chuyện giữa tiến sĩ Chiang và bảo tàng lịch sử máy tính để cập tới rất nhiều khía cạnh và lịch sử của ngành, đặc biệt là màn cạnh tranh giữa TSMC với Intel. Nhưng khi nhớ lại quyết định nghỉ TSMC để gia nhập SMIC, ông nói rằng:
“Đấy là một sai lầm. Ừ thì bạn có thể làm nhiều điều đúng đắn, nhưng cũng sẽ làm những thứ xuẩn ngốc. Đấy là một trong những điều ngu ngốc tôi đã làm.”
Tua ngược lịch sử, cái thời điểm Intel Corporation vẫn là ông vua của ngành sản xuất chip xử lý. Tiến sĩ Chiang nhớ đã từng nói cách để Intel tạo ra những công nghệ cách xa phần còn lại của thế giới đến vài thế hệ tiến trình. Tham vọng của ông cũng rất rõ ràng, khi còn làm việc ở TSMC, ông muốn tập đoàn Đài Loan vượt qua tốc độ nghiên cứu của người Mỹ.
Khác biệt lớn nhất giữa Intel và TSMC, theo tiến sĩ Chiang:
"Intel có vài chi tiết khác biệt về mặt văn hóa doanh nghiệp. Họ quyết định là sẽ tự làm mọi thứ. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất đối với mảng R&D và sản xuất của họ. Chính nguyên tắc tự làm hết mọi thứ này đã giúp Intel có được ngày hôm nay. Họ bắt đầu tự nghiên cứu công nghệ trong quá trình R&D, phải dùng trang thiết bị như thế này, kèm với công thức sản xuất thế này. Họ kiểm tra mọi thứ cực kỳ tỉ mỉ. Mọi thứ ổn thì chuyển qua sản xuất, và không thay đổi bất kỳ thông số hoặc chi tiết nào hết. Cứ bám sát theo công thức, không thay đổi gì hết, thì nguy cơ sẽ giảm tới mức tối đa. Vấn đề lại nằm ở chỗ 1 năm sau, thiết bị mới sẽ tạo ra hiệu suất cao hơn. TSMC sẽ áp dụng theo hướng đó còn Intel thì không. Vì thế khi TSMC ứng dụng những công nghệ mới để hạ giá thành, bán wafer giá thấp hơn Intel. Nói cách khác TSMC linh động hơn.
Một lý do rõ ràng chính là ở hệ thống của Intel. Họ có thể bán tấm wafer đã gia công với giá 20 nghìn USD, vì CPU của họ có giá rất cao. TSMC không làm được như thế, chỉ bán được khoảng 4.000 USD một tấm thôi. Và chúng tôi còn phải tìm cách cắt giảm chi phí sản xuất nữa. Tôi rất tôn trọng Intel, họ sẵn sàng chấp nhận những thử thách lớn. Cứ mỗi thế hệ tiến trình, họ lại dám làm một thứ mới về mặt bản chất công nghệ. Intel luôn là cái tên đầu tiên ứng dụng những công nghệ mới. Rồi sau đó mới đến lượt TSMC ở thế hệ chip tiếp theo.
Vì thế, mỗi tiến trình Intel đều tạo ra những con chip với hiệu năng cao hơn TSMC. Khi tôi còn làm ở TSMC, tôi luôn nói rằng ‘chúng ta đang ở sau Intel.’ Đừng có nghĩ ra mắt chip 10nm trước Intel mà hạnh phúc. Rõ ràng khái niệm 10nm của TSMC nó cũng y hệt như 14nm của Intel."
Cũng trong khoảng thời gian làm việc tại TSMC, tiến sĩ Chiang bắt đầu một dự án với mục tiêu đánh bại sự thống trị của Intel về công nghệ transistor, nhưng thất bại. Dự án này đến giờ vẫn là bí mật mà TSMC không hề nhắc tới:
"TSMC thường đợi đến khi Intel ứng dụng công nghệ rồi mới đến lượt họ trong tiến trình sau đó. Không chỉ thua sút Intel về khả năng thiết kế transistor, mà còn thua cả hiệu năng vận hành của transistor nữa. Lý do cũng đơn giản vì Intel cơ bản chỉ sản xuất CPU. CPU cần hiệu năng cao. TSMC không cần điều đó. Nhưng khi nhắc đến sức mạnh của tiến trình sản xuất chip, chúng ta thường chỉ nói tới hiệu năng. Và ở khía cạnh này, chắc chắn phải tôn trọng Intel.
Những năm cuối ở TSMC, tôi mở ra một dự án tên là Advanced Transistor Leadership. Chúng tôi muốn đuổi kịp và vượt qua Intel về mặt hiệu năng transistor. Dự án đấy thất bại. Tôi nghĩ không một ai ngoài nhóm kỹ sư chúng tôi biết về dự án này. Và đấy là một trong những điều hối hận nhất trong sự nghiệp của tôi, thất bại trong việc đuổi kịp Intel về hiệu năng xử lý. Nhìn bên ngoài chúng tôi đã làm được chip 5nm, còn Intel thì vẫn là 10nm. Intel đúng là có sảy chân trong quá khứ. Giờ có lẽ Intel chỉ đứng sau TSMC một chút về mặt tiến trình gia công."
Những khác biệt về văn hóa doanh nghiệp giữa người Mỹ và Đài Loan cũng được tiến sĩ Chiang đề cập cụ thể. Và thành công của TSMC đến từ văn hóa có phần cứng rắn:
"Vì chi phí giải quyết sự xuống cấp của thiết bị rất cao, nên phải vận hành fab 24/24. Ở Mỹ, nếu thiết bị hỏng, có thể đi về chờ đến sáng hôm sau, đến công ty lúc 8h, sửa lúc 9h. Nhưng với chúng tôi, 2h sáng vẫn phải gọi bằng được kỹ sư bảo trì. Không ai phàn nàn gì cả.
Tôi thì gia nhập TSMC vào tháng 6, à không ngày 6/7/1997. Rồi tôi làm cả ngày lẫn đêm, kể cả cuối tuần, thứ 7 và chủ nhật. Tôi sống trong khu trụ ở Science Park cách văn phòng chỉ vài trăm mét. Nếu không phải đi chợ hay đi cắt tóc, thì tôi cũng không ra khỏi khu trọ. Tôi làm ngày làm đêm, kể cả ngày lễ. Lần đầu tiên tôi chịu đi chơi với bạn bè là tháng 10. Điều đấy tức là ba tháng rưỡi tôi chỉ có làm việc.
Lý do là khi ấy TSMC đang nghiên cứu công nghệ chip 0.25 micron. Trong suốt quá trình ấy, họ thay tới 4 phó chủ tịch phụ trách mảng nghiên cứu. Tôi chính là người thứ tư. Rồi họ thay 3 giám đốc dự án, tôi lại chính là người phụ trách cuối cùng. Chúng tôi đã phát hiện ra 5 vấn đề lớn nhất phải giải quyết."
Và, trình bày ý tưởng với nhà sáng lập TSMC, tiến sĩ Morris Chang có vẻ không khác gì làm việc với những CEO khó tính khác:
“Ông ấy hoàn toàn không có chút kiên nhẫn nào khi ngồi nghe trình bày ý tưởng mới. Bạn sẽ phải đi ngược lại vấn đề, trình bày kết quả trước, và chỉ có 30 phút để làm điều đó thôi. Chỉ đến khi Chang thấy 30 phút đồng hồ ấy có giá trị, ông ấy mới chịu nghe tiếp chi tiết ý tưởng mới.”
Theo WCCFTech