Phần lớn sự chú ý đổ dồn vào doanh số mạnh mẽ của iPhone trong quý vừa qua, trong khi các mảng kinh doanh khác của Apple có dấu hiệu chững lại.
Theo Bloomberg, kết quả kinh doanh iPhone của Apple trong quý vừa qua khởi sắc, trong khi tình hình chung của công ty là khó khăn. Có đến 3 danh mục sản phẩm cốt lõi của gã khổng lồ xứ Cupertino sụt giảm doanh số so với cùng kỳ năm trước.
Apple có một quý kinh doanh thành công "đáng ngạc nhiên", theo Bloomberg. Doanh thu và lợi nhuận đều vượt trên mức kỳ vọng của các nhà phân tích tại Phố Wall, bất chấp sự gián đoạn về nguồn cung iPhone.
iPhone là động lực tăng trưởng chủ yếu của Apple trong quý II/2022. Ảnh: Bloomberg.
iPhone là động lực tăng trưởng chủ yếu của Apple trong quý II/2022. Ảnh: Bloomberg. |
Theo phân tích của Refinitiv, các chỉ số tài chính quan trọng trong báo cáo mới nhất của Apple đều cho thấy tín hiệu tích cực. Cụ thể, doanh thu của công ty trong quý II/2022 (quý III/2022 theo năm tài chính của Apple) đạt 83 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái là 82,81 tỷ USD.
Trong đó, doanh thu iPhone và mảng dịch vụ đều tăng trưởng tốt, đóng góp quan trọng vào kết quả kinh doanh của hãng.
Doanh thu từ hoạt động bán iPhone đạt 40,67 tỷ USD, tăng 3% so với con số 38,33 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy nhu cầu đối với các mẫu iPhone 13 vẫn mạnh ngay cả trong nửa sau chu kỳ phát hành.
Apple thường ra mắt dòng iPhone mới vào tháng 9 hàng năm và doanh số bán hàng có dấu hiệu giảm khi người dùng chờ đợi sản phẩm mới.
Giải thích cho điều này, CEO Tim Cook cho biết Apple đã thành công trong việc thu hút những người dùng smartphone Android. "Chúng tôi đã đạt được mức kỷ lục về số người chuyển đổi thiết bị và ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số đối với khách hàng mới sử dụng iPhone", ông lý giải.
Kết quả này còn đáng phấn khởi hơn khi trước đó các dự đoán cho rằng vấn đề từ chuỗi cung ứng sẽ thổi bay 8 tỷ USD của Apple.
Tuy nhiên, tin tốt đối với Apple dừng lại tại đây. Các mảng kinh doanh phần cứng khác cho thấy chiều hướng tiêu cực. Cả 3 lĩnh vực quan trọng, gồm máy tính Mac, iPad và thiết bị đeo đều sụt giảm.
Doanh thu từ Mac chỉ đạt 7,38 tỷ USD, giảm 10% so với 8,7 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái. iPad cũng giảm nhẹ 2%. Trong khi đó, mảng Thiết bị đeo, nhà và phụ kiện mang về 8,08 tỷ USD, thấp hơn con số 8,8 tỷ USD của quý II/2021.
Doanh số máy tính Mac sụt giảm mạnh, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc chậm trễ nguồn cung. Ảnh: Bloomberg.
Doanh số máy tính Mac sụt giảm mạnh, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc chậm trễ nguồn cung. Ảnh: Bloomberg. |
Sự chững lại của Mac không nằm ngoài dự đoán. MacBook Air và MacBook Pro là những thiết bị chạy macOS phổ biến nhất. Doanh số của cả 2 gần như đứng im suốt 4 tuần trong quý II/2022.
Nguyên nhân của việc này là dòng MacBook Air và MacBook Pro M2 được công bố vào ngày 6/6, nhưng mất thêm vài tuần để có mặt trên thị trường.
Việc phát hành chậm khiến cho doanh số dòng laptop bán chạy nhất của công ty chững lại. Điều này dẫn đến doanh thu từ Mac trong quý thấp hơn khoảng 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Sự sụt giảm của iPad chủ yếu đến từ vấn đề nguồn cung. Theo Bloomberg, dường như Apple sản xuất không đủ iPad. Nhiều người khó mua được thiết bị này tại các cửa hàng. Tuy nhiên, trong báo cáo tài chính, công ty xác định doanh số iPad thấp chủ yếu do iPad Pro bán chậm.
MacBook Air được đón nhận tốt, nhưng được bán ra khá lâu sau khi ra mắt. Ảnh: Đức Hưng.
MacBook Air được đón nhận tốt, nhưng được bán ra khá lâu sau khi ra mắt. Ảnh: Đức Hưng. |
Vấn đề sụt giảm của mảng Thiết bị đeo, nhà và phụ kiện - bao gồm Apple Watch, AirPods, tai nghe Beats, HomePod và Apple TV - thậm chí còn đáng lo hơn. Theo Tim Cook, có một "cơn lốc xoáy" tác động đến mảng kinh doanh này.
Ông cho rằng môi trường kinh tế vĩ mô đã có ảnh hưởng xấu. Nói cách khác, người dùng chi ít tiền hơn để mua các sản phẩm này vì những lo ngại về tình hình kinh tế.
Dường như Apple đang cảm giác được tình hình khó khăn và bắt đầu có sự thay đổi. Công ty này lên kế hoạch giảm tuyển dụng và chi tiêu trong một số hạng mục đầu tư.
Theo Bloomberg, nguồn tin nội bộ cho biết Apple cố gắng khai thác tối đa nguồn lực hiện có. Việc tăng nhân sự sẽ giữ ở mức tối thiểu, thậm chí không tăng, chi phí hoạt động, bao gồm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, cũng được cân nhắc kỹ lưỡng.