Anh em Việt Nam cũng như trên thế giới mấy ngày qua đua nhau tải một ứng dụng có tên FaceApp, chụp ảnh selfie rồi phần mềm tự động chỉnh khuôn mặt anh em thành già khọm, mục đích vui vẻ tạo tiếng cười cho mọi người. Thế nhưng sau những tràng cười sảng khoái, có thể ứng dụng này đang sử dụng dữ liệu của anh em theo cách mà anh em không hề muốn một chút nào.
Các chuyên gia an ninh mạng đã lên tiếng cảnh báo về ứng dụng do Wireless Lab, một studio viết ứng dụng nhỏ đến từ Nga. Dựa vào điều khoản sử dụng ứng dụng, không loại trừ khả năng dữ liệu cá nhân của anh em sẽ bị lợi dụng vào mục đích không tốt chút nào. Robert Siciliano, chuyên gia an ninh mạng tại Safr.Me nói rằng:
“Mọi người cứ nghĩ hình ảnh chỉnh sửa từ ứng dụng này vui nên cứ nhắm mắt chia sẻ lên mạng xã hội”. Mọi người thả ‘Haha’ vì bức ảnh nhí nhố. Nhưng kỳ thực bản thân ứng dụng này trong quá trình đó đã thu thập được dữ liệu khuôn mặt của biết bao nhiêu người.
Anh em còn nhớ scandal đang khiến Facebook điêu đứng với Cambridge Analytica chứ? Họ cũng tạo ra một ứng dụng tương tự mang tính viral trên mạng xã hội, một bài quiz tên là “This is Your Digital Life”. Hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người chơi mini game đó mà không biết rằng họ đã “cúng” miễn phí dữ liệu cá nhân của mình cho Cambridge Analytica, một bên thứ 3 hoàn toàn không có quyền hành kiểm soát dữ liệu người dùng như chính bản thân Facebook. Những dữ liệu đó bao gồm luôn cả lịch sử cuộc gọi, nội dung tin nhắn và cả dữ liệu địa điểm của thiết bị anh em sử dụng. Sau đó, những dữ liệu này được phân tích và qua đó những quảng cáo tương ứng sẽ hiện lên news feed của người dùng Facebook trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 vừa rồi. Facebook đang có nguy cơ phải nộp phạt 5 tỷ USD vì scandal này.
Cách FaceApp thu thập dữ liệu người dùng giống hệt cách Cambridge Analytica làm. Họ tạo ra một ứng dụng khiến tất cả mọi người chạy đua để sử dụng, càng nhiều người dùng thì dữ liệu họ thu thập được càng nhiều.
Ông Siciliano nói thêm:
“Có không ít lo ngại về việc các ứng dụng và các công ty của Nga bị chính phủ buộc giao nộp dữ liệu mà họ thu thập được.” Quay lại với ứng dụng chụp ảnh “già khọm”. Nó trở nên hot sau khi nhiều người nổi tiếng sử dụng và up ảnh lên Facebook, Twitter và Instagram. Quy định riêng tư của FaceApp có nói rõ ràng, rằng
“có thể chuyển thông tin mà ứng dụng thu thập được, bao gồm thông tin cá nhân từ quốc gia này sang quốc gia khác.”
Người sử dụng ứng dụng này sẽ phải tải ảnh lên server đám mây, và những bức ảnh đó hoàn toàn có thể bị sử dụng tại các quốc gia khác, trong đó có cả Nga, nơi Wireless Lab hoạt động. Quy định này chẳng đề cập đến việc Wireless Lab bảo vệ dữ liệu của người dùng FaceApp như thế nào, ngoại trừ việc có thông tin cho rằng server lưu ảnh chụp của anh em được đặt ở Mỹ. Tuy nhiên Wireless Lab cho biết dữ liệu thu thập được xử lý để không thể dùng để xác định danh tính của bất kỳ ai.
Cũng không ngoại trừ khả năng, lượng dữ liệu khổng lồ mà FaceApp thu thập sẽ được dùng để “huấn luyện” cho những hệ thống nhận diện khuôn mặt. Khi bắt đầu dùng FaceApp, anh em mặc định trao cho nó quyền “sử dụng, tái tạo, chỉnh sửa, thay đổi…” dữ liệu mà anh em cung cấp cho ứng dụng. Vấn đề nguy hiểm là, chẳng mấy ai đọc hết quy định sử dụng ứng dụng cả.